Vì sao khó giải quyết nợ xấu?
Để nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ vay, hiện nay các ngân hàng đều thành lập tổ xử lý nợ xấu hoặc Công ty xử lý nợ (AMC), hỗ trợ nhân viên tín dụng. Đặc biệt, khi nền kinh tế khó khăn, nợ xấu càng phát sinh nhiều, thì việc xử lý tài sản bảo đảm càng trở nên cần thiết cho ngân hàng.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào việc xử lý tài sản đảm bảo (mà phần lớn là bất động sản) cũng thuận lợi.
Từ góc độ người vay, theo thói quen hiện nay ít ai dự phòng cho mình hướng xử lý khi việc kinh doanh, đầu tư từ nguồn vốn vay không như kế hoạch, dẫn đến phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn. Do vậy, người đi vay thường bị động và dẫn đến các sai lầm gây ra thiệt hại lớn. Vì lẽ đó ngân hàng cũng gặp phải khó khăn khi xử lý nợ quá hạn.
Một trong những sai lầm mà người bị nợ quá hạn thường mắc phải là không đánh giá đúng thực tế khả năng trả nợ hoặc quá tự tin, ảo tưởng về dòng tiền nào đó phát sinh trong tương lai, dẫn đến lựa chọn sai lầm là tìm cách “vay nóng” hoặc “”đáo hạn” để kéo dài thời hạn trả nợ, tránh việc bị phát mãi tài sản bảo đảm.
Điều này đồng nghĩa với việc người vay muốn làm mọi cách để không bán bất động sản bảo đảm của mình để trả nợ sớm, bất chấp chi phí cho việc kéo dài khoản vay có thể lớn và trong tương lai không chắc có nguồn tiền nào để trả nợ vay khi đến hạn lần nữa. Lựa chọn này có thể làm người vay phải gánh nợ ngày càng nhiều theo cấp số nhân, vì lãi và các chi phí khác đều cộng vào khoản nợ cũ. Đến một lúc nào đó, khoản nợ sẽ “ăn” hết giá trị của tài sản bảo đảm. Người bị nợ có cảm giác như bị rơi vào vũng lầy, thì càng “cựa quậy” nó lại càng lún sâu hơn.
Từ góc độ ngân hàng, khi có nợ xấu có bảo đảm bằng bất động sản, đương nhiên ngân hàng phải tìm cách giải quyết đơn giản nhất là thuyết phục, làm áp lực để chủ tài sản bán nhanh để trả nợ, mà không phải mong chờ vào các phương án hồi phục, các dòng tiền khác của con nợ. Tuy nhiên, bán tài sản trong bối cảnh bị áp lực từ bộ phận xử lý nợ của ngân hàng, thì giá bán đương nhiên không thể nào bằng với giá thị trường. Điều này, càng làm cho người vay khó chấp nhận và càng thúc đẩy họ vùng vẫy thêm, vì họ tin rằng “kiểu gì thì bất động sản cũng sẽ tăng giá, có khi còn nhanh hơn lãi vay’’.
Những yếu tố cần đánh giá khi lựa chọn phương án xử lý tài sản đảm bảo
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu không có kế hoạch dòng tiền cụ thể, đáng tin cậy thì việc “vùng vẫy” của người vay thường phải trả giá bằng thiệt hại rất lớn về sau. Vì nếu không xử lý dứt điểm được khoản nợ chắc chắn cuối cùng cũng bị phát mại bất động sản đảm bảo.
Người vay cần lưu ý những điểm sau đây để tránh một số sai lầm dẫn đến thiệt hại:
Sai lầm về dự đoán dòng tiền: Đa số người đi vay bị vỡ kế hoạch để trả nợ vì những lý do khách quan trong làm ăn kinh doanh, hoặc do bên thứ 3 khác hứa hẹn thanh toán mà họ không thanh toán. Để thay thế cho kế hoạch ban đầu, người đi vay đã chờ đợi một kế hoạch khác thay thế, và chính cái kế hoạch đó làm kéo dài thời gian thanh lý tài sản, đến phút cuối cùng vẫn không xử lý được, dẫn đến nợ xấu ngày càng xấu hơn.
Khi kéo dài việc trả nợ, lãi suất phạt trung bình bằng 150% so với lãi suất thông thường, và càng ngày nó càng ăn vào giá trị của tài sản thế chấp.
Khi không có khả năng trả nợ, trả lãi vay, người vay thường xin gia hạn và phải vay nóng từ bên ngoài với lãi suất cao để trả một phần cho ngân hàng. Lúc đó, ngân hàng mới đồng ý cho gia hạn. Việc này làm khoản nợ ngân hàng kéo dài, mà vẫn phải chịu lãi suất phạt, đồng thời lại chịu thêm lãi suất cao từ việc vay nóng bên ngoài.
Không phải cứ kéo dài thời gian trả nợ, là chủ tài sản có thể bán được tài sản với giá tốt. Đến một thời điểm nào đó, buộc ngân hàng phải dùng đến các biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản và bán đấu giá. Các chi phí cho việc cưỡng chế thu hồi tài sản và bán đấu giá đều được tính vào chi phí bán tài sản đảm bảo và đó là nguyên nhân thiệt hại.
Người vay thường bị ảo tưởng về giá trị bất động sản của mình. Vấn đề này gặp rất nhiều khi xử lý nợ xấu. Đa số chủ tài sản tự định giá bất động sản của mình cao hơn thị trường mà không bao giờ có cái nhìn khách quan, tìm đến sự tư vấn của bên thứ 3. Hậu quả của việc này là kéo dài thời gian thì số nợ phải trả tăng lên theo lãi suất phạt.
Không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng khi vay. Đến lúc cán bộ xử lý nợ áp dụng các điều khoản trong hợp đồng đã ký để xử lý tài sản thu hồi nợ, thì nhiều chủ tài sản mới ngớ người ra và nghĩ là mình bị chèn ép dẫn đến không hợp tác. Nhiều trường hợp còn tốn thêm các kinh phí thuê luật sư và án phí khi bị ngân hàng khởi kiện để xử lý tài sản đảm bảo.
Lời khuyên cho người bị có tài sản bảo đảm bị xử lý
Trong trường hợp người bị nợ xấu, cần bình tĩnh, khách quan đánh giá các yếu tố trên để quyết định hướng xử lý. Nên hợp tác với ngân hàng để phối hợp bán tài sản bảo đảm và trả nợ một cách nhanh nhất, giảm thiệt hại. Tránh việc đánh giá phiến diện, thiếu khách quan hoặc quá tự tin các vấn đề trên dẫn đến lựa chọn sai lầm. Đa số những người khi rơi vào tình trạng nợ xấu thì tâm lý không được sáng suốt như lúc bình thường. Vì vậy nên tìm chuyên gia trong những lĩnh vực này để nhờ họ tư vấn, giúp đánh giá đúng tình hình.
Việc đầu tiên là tìm đến chuyên gia về tài chính để đánh giá lại khả năng dòng tiền, xem thử chính xác thời điểm tiền có thể về và trả nợ. Trong trường hợp xác định dòng tiền không thể về kịp để trả nợ, thì nên định giá đúng giá trị tài sản để có thể bán nhanh.
Để định giá đúng thị trường và có thể bán được nhanh thì cách nhanh nhất là hãy gọi cho 5 người môi giới khác nhau đang hoạt động trong khu vực có tài sản và nhờ họ định giá bán. Tổng hợp kết quả tư vấn của 5 người môi giới này sẽ có được quyết định bán nhanh trong thời điểm cần thiết.
Đồng thời, luôn nhớ là “bán nhanh” thì chắc chắn không thể nào được giá cao, thậm chí phải rẻ hơn thị trường chút xíu và phải chấp nhận vấn đề đó. Khách hàng cần cân nhắc khả năng tài sản bị kê biên thu giữ và bán đấu giá thì chắc chắn giá sẽ thấp hơn rất nhiều so với giá khách hàng tự bán.
Việc trì hoãn bán tài sản với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn, trong khi phải trả lãi vay cao sẽ như là trò chơi may rủi. Một vấn đề nữa cần cân nhắc, khi tự bán sớm là bạn còn có thể thu được số tiền dư ra sau khi trả nợ Ngân hàng, dù đó là nhiều hay ít. Bởi vì đến lúc kê biên thi hành án và bán đấu giá, thì bạn không được kiểm soát số tiền thừa ra trong việc trả nợ ngân hàng, vì nó có thể bị giữ lại để thanh toán cho các khoản nợ khác của bạn ngoài nợ ngân hàng.
Đừng bao giờ vay nóng bên ngoài để trả lãi nợ xấu trong ngân hàng, vì nó cao hơn rất nhiều so với lãi phạt hiện hành của ngân Hàng. Nếu bạn không chắc chắn được dòng tiền có thể về sớm, thì cách tốt nhất là bán nhanh tài sản đảm bảo để cắt lỗ.
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức tư vấn về nợ ngân hàng có thể giúp bạn các phương pháp tốt nhất để giải thoát khoản nợ. Các bạn có thể tìm một trung tâm tư vấn gần nhất bằng cách tìm kiếm trên Google với các từ khóa như “Tư vấn nợ ngân hàng”.
Điều cuối cùng, có thể không quan trọng về tài chính, nhưng nó quan trọng đến cuộc sống của bạn, đó là yếu tố tâm lý, khả năng chịu ‘’áp lực nợ’’ của bạn. Đa số nhiều người đau đớn vì tiếc tài sản. Nó làm bạn đau khổ hơn, nhưng không giải quyết được vấn đề hiện tại của bạn. Hãy xác định sống một cuộc sống mới mà không có những tài sản đó. Nói cách khác, bạn còn sống là còn có thể tạo ra tài sản ở tương lai.
Lê Đình Dũng