Sống trong thành phố trẻ, thi thoảng những gánh hàng rong với tiếng rao vừa tới “thoảng như gió vội”, bất chợt rồi vụt qua, người bán và người mua không nghe thấy nhau. Hay một quán cóc vỉa hè bán những thứ ăn vặt, đồ vặt ngày mưa, nắng thất thường khiến ta ngại ghé qua. Công nghệ đã trở thành cầu nối tuyệt vời giúp họ gặp nhau, ở đó người mua và người bán không phải đỏ mắt đi tìm khách.
Hàng rong, quán vỉa hè trở nên thông minh
“Tôi nhớ ông bán bánh tiêu, bánh xoài, bánh cam người gốc Hoa. Chiều chiều, ông đẩy chiếc xe cũ lăn bánh qua các ngả đường bán đến hết 600 chiếc/ngày mới về. Nhớ dáng ông khom khom trong chiếc áo phông đóng thùng, quần lưng, đôi giày, mũ lưỡi trai sờn màu”, Nguyễn Thanh Nga (21 tuổi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết ăn hàng rong và nhìn thấy, mua giúp một vài thứ cho người bán rong cũng khiến cô cảm nhận được niềm vui bé nhỏ.
Thế nhưng, vì là bán hàng rong nên người đàn ông tên Lý Phú Yên mà Nga nói đến không phải hôm nào Nga muốn ăn bánh cũng gặp và biết xe bánh đang dừng ở đâu. Nhờ qua blog của một app ẩm thực, Nga được biết ông thường sẽ đi qua các đường Trần Cao Vân, Nguyễn Văn Linh, chợ Tam Giác cũ đường Hải Phòng. Biết khung giờ bán, trạm dừng và nơi ông sẽ đi giúp Nga có thể ăn được món bánh cam mình thích.
Cô sinh viên Thanh Nga còn cho biết bản thân rất hay dùng các app ẩm thực để được ship tận nơi món bán vỉa hè.
“Buổi tối mưa tôi thèm bắp nướng nên ship bắp nướng ở ngã tư chợ Cồn về ăn. Chỉ 10.000 đồng một trái bắp, có thể mua thêm bánh tráng, khoai nướng. Trái bắp bỏ mắm lên khá ngon, hạt mềm dẻo, không bị cứng. Nói chung, tôi hài lòng”, Nga chia sẻ trải nghiệm khiến nhiều người khác cùng xuýt xoa sẽ tới ủng hộ người bán hàng.
Chiều non 16 giờ, vợ chồng ông Hồ Đắc Nguyên và bà Ngô Thị Duẩn lại đẩy chiếc xe bán bánh mì Hamburger ra đường Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu). Bà chuẩn bị bánh nóng hổi, thơm ngon, cụ ông hì hục chuẩn bị đèn đóm để bán đến khuya. Cái xe bánh Hamburger nhỏ tẹo dán đầy những thông tin momo, mã QR để thanh toán không tiền mặt và cả các app ẩm thực nổi tiếng để có thể đặt ngay khi ở nhà.
“Khách có thể chọn menu các loại nhân bánh hamburger tùy ý thích. Chúng tôi bán ở đây hàng chục năm nay dù là vỉa hè nhưng đã có thương hiệu vì bánh nóng, ngon. Ban đầu cũng không biết về các app đặt hàng ăn là gì, nhưng các bạn trẻ xin dán thông tin app lên xe thì chúng tôi cho. Giờ nhiều người vẫn đặt hamburger về mà không cần ra tận đường Ông Ích Khiêm để tìm vợ chồng tôi”, ông Nguyên chia sẻ chỉ cần “một chạm” là có thể ăn hambuger nhà ông Nguyên bà Duẩn.
Không sử dụng app bán hàng như vợ chồng ông Nguyên nhưng xe chè vỉa hè của cô Bé (270 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) mấy năm nay cũng được nhiều khách đặt mua qua zalo, facebook.
“Hàng chè tôi trở nên nổi tiếng vì được tiktoker giới thiệu. Từ khi còn là con gái tôi đã bán chè trong chợ Cồn. Sau lấy chồng về Quảng Bình, tôi cũng mang chè Đà Nẵng ra quê chồng bán. Nay lớn tuổi tôi lại trở về Đà Nẵng và giao hàng chè ở Quảng Bình cho cháu để trở lại gần chợ Cồn bán chè”, bà Bé nói.
Trở lại Đà Nẵng bán chè mưu sinh nhưng không còn có ki ốt trong chợ như 30 năm trước, bà Bé mướn một khoảnh sân nhỏ nhà người ta để chiều chiều đẩy xe chè ra đây ngồi. Những món chè môn thơm gừng, hạt bột lọc to với nhân dừa thơm ngậy, đậu đỏ mềm, sánh nhưng không nát trở thành thức ăn vặt cho nhiều thế hệ yêu mến xe chè cô Bé. Thế nhưng bán vỉa hè chỉ được vài ba ghế ngồi, chưa kể hôm nắng gắt, mưa to thì khách rất ngại đi.
Nhờ có công nghệ, các công ty, nhân viên văn phòng thường chỉ cần nhắn tin, gọi sẽ được bà Bé đóng gói cẩn thận, bỏ hàng tận nơi.
“Tôi đang chuẩn bị ship đi 30 ly chè, hôm nay trời nắng đẹp nên người đặt hàng cũng nhiều”, nói rồi bà Bé đưa chúng tôi xem những mẩu tin đặt hàng qua zalo. Nỗi lo ế hàng cũng không còn quá ám ảnh như trước khi rất lâu rồi bà Bé mới trở lại bán chè ở khu vực nay có từ vỉa hè đến quán xá mọc lên như nấm nhiều thương hiệu khác.
“Chè nấu phải được ăn ngay trong ngày, qua ngày sau chỉ biết đổ chứ làm gì được nữa. Nên bán được hàng bằng mạng xã hội tôi cũng được về sớm lại không lo ế”, bà Bé vui vẻ kể. Theo bà Bé, bán hàng qua facebook hay zalo tiện ích nhưng phải luôn luôn giữ uy tín và chất lượng.
Qua các app ẩm thực và mạng xã hội, các hàng rong, quán vỉa hè tiếp cận được lượng lớn khách hàng hơn. Tuy nhiên, thường số khách hàng này cũng rất kỹ tính chỉ cần thêm, bớt hay nguyên liệu nấu chè không tươi, đảm bảo vệ sinh sẽ có ý kiến ngay. Nhiều người còn lên mạng “bóc phốt” những hàng quán chặt chém, hàng kém chất lượng sẽ dẫn tới mất khách. Hiểu được quy luật thị trường đó, những người như bà Bé càng tự khắt khe với chính mình hơn.
Những gánh hàng rong, quán vỉa hè nhỏ bé lọt thỏm vào đô thị đông đúc, đua chen. Cạnh bên những nhà hàng sang trọng, bảng quảng cáo to đẹp níu khách bởi sự chân quê, chất lượng và đôi khi có cả chút tâm hồn “nhớ quê giữa phố” của các thực khách gần xa.
Nghĩ về bài toán “kinh tế vỉa hè”
“Kinh tế vỉa hè” – khu vực kinh tế phi chính thức đã có lịch sử hơn 150 tại Việt Nam. Dù chẳng lấy vỉa hè làm giàu nhưng hàng rong, vỉa hè giúp nhiều người có thu nhập ổn định. Bộ phận không nhỏ người dân tham gia đều có đôi vai trĩu gánh áo cơm đã tự bươn chải để nuôi mình và con cái ăn học.
Với những đống vốn ít ỏi, thu nhập của người bán hàng rong, vỉa hè góp nhặt từ việc ngày ngày rong ruổi trên đường, hay dãi nắng dầm mưa. Trong đó, đa phần họ là những cư dân nghèo ở nông thôn di cư vào đô thị.
Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng từng ký hợp đồng với Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Đà Nẵng thực hiện đề tài “Kinh tế vỉa hè quận Hải Châu – thực trạng và giải pháp” do Tiến sĩ Bùi Ngọc Như Nguyệt làm chủ đề tài.
Đề tài hướng đến việc cho phép duy trì hoạt động kinh tế vỉa hè trong điều kiện đảm bảo sinh kế cho người dân và các yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội cũng như văn hóa, văn minh đô thị trong điều kiện thực tế ở Đà Nẵng nói chung và quận Hải Châu nói riêng.
Trong ba nhóm đối tượng “kinh tế vỉa hè” có nhóm buôn bán hàng hóa nhỏ lẻ trên vỉa hè và nhóm lưu động/hàng rong/bán dạo. Những gánh hàng rong, xe đẩy hàng rong, bán dạo hoặc các dịch vụ không có địa điểm cố định cho thấy số lượng lao động này không ít, điều kiện lao động hạn hẹp nhưng họ có động lực để duy trì công việc. Dẫu vậy, nhóm đối tượng “kinh tế vỉa hè” thường gặp không ít thách thức trong quá trình hoạt động.
Những giải pháp được đề ra lúc đó đến nay dường như chỉ dừng lại ở việc sắp xếp để hàng rong/vỉa hè trở nên hoạt động có nền nếp, quy củ hơn. Những tuyến đường dành cho các đối tượng kinh doanh phi chính thống này được cắm biển song để cấm hẳn người buôn bán hàng rong bằng việc bán cố định vẫn là một bài toán nan giải vì ngặt nghèo ở chỗ họ cần công việc để mưu sinh.
Nhu cầu của thị trường với những gánh hàng rong, hàng vỉa hè đã được khẳng định qua hàng trăm năm lịch sử. Trong quá trình đó, người bán hàng rong không ngơi nghỉ trong việc thích ứng với thời đại để giữ chân khách hàng. Để rồi đâu đó, nó cũng trở thành một nét văn hóa đã “ăn sâu” vào tiềm thức, tâm hồn người Việt nói chung, người Đà Nẵng nói riêng.
Nhìn những gánh hàng tiếp nối thế hệ đến nay gen Z từ phụ giúp gia đình trở thành “chủ” và chỗ những gánh hàng luôn chật kín người ngồi sẽ cảm nhận được sự bền bỉ của loại hình kinh doanh này. Không nhanh như những siêu thị, nhà hàng sang trọng nhưng nay những người bán hàng rong, vỉa hè có ứng dụng công nghệ rõ ràng đang nắm ưu thế giữ chân khách hàng trong một thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay.
Đôi tiếng rao rơi vào đêm rất mỏng đôi khi chợt vang đầu hẻm nhỏ có người thấy thân thương cũng có người cho đó là sự phiền toái. Nhưng, những lời rao không tiếng trên các ứng dụng công nghệ số được nhiều người đón nhận sẽ giúp chặng đường rong ruổi của những gánh hàng rong bớt xa. Nên chăng, giải bài toán “kinh tế vỉa hè” bắt đầu từ việc nghiên cứu chuyển đổi số theo kịp xu thế công nghệ 4.0 đến nhiều đối tượng hàng rong, vỉa hè hơn nữa sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan về an ninh trật tự và an sinh xã hội.
Bảo Hòa