Các nhà nghiên cứu tại trung tâm lựa chọn tài chính Cambridge (CCAF) cho biết chỉ số hashrate (thể hiện năng lực khai thác Bitcoin) trung bình hàng tháng trên toàn cầu của Mỹ đã tăng từ 16,9% trong tháng 4 lên 35,4% trong tháng 8.
Theo đó, các nhà khai thác Trung Quốc từng nắm giữ 46% thị phần khai thác Bitcoin vào tháng 4, trước khi có lệnh cấm khai thác mới ở Nội Mông và việc đóng cửa 26 trung tâm khai thác ở tỉnh Tứ Xuyên. Việc Trung Quốc thắt chặt các hạn chế khiến những người tham gia thị trường tỏ ra vui mừng bởi hoạt động khai thác được phân chia và sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo.
“Ảnh hưởng của cuộc đàn áp ở Trung Quốc là tăng cường sự phân bổ theo địa lý của hashrate trên toàn thế giới, có thể được coi là điều tích cực cho an ninh mạng lưới và các nguyên tắc phi tập trung của Bitcoin”, Michel Rauchs, Trưởng bộ phận tài sản kỹ thuật số tại CCAF nhận định.
Sau cuộc đàn áp tiền ảo của Trung Quốc, giá Bitcoin đã giảm mạnh vào tháng 9, nhưng sau đó nhanh chóng tăng trở vào tháng 10. Hiện tại, hàng loạt sàn giao dịch nước ngoài ngừng mọi giao dịch với các khách hàng ở quốc gia này.
Theo các nhà nghiên cứu, áp lực lên tỉnh Tứ Xuyên phải cắt giảm lượng khí thải carbon thúc đẩy sự hạn chế của Trung Quốc vào tháng 6, khiến các hoạt động khai thác của Trung Quốc chuyển ra nước ngoài. Nhiều người chuyển đến Malaysia, ngoài việc dân số ở đất nước này nói tiếng Trung khá lớn, các thợ đào cũng bị thu hút bởi nguồn điện giá rẻ.
Các nước nhiều dầu mỏ như Canada, Iran và Na Uy được xếp hạng trong top 10 chỉ số hashrate của Cambridge. Ở Mỹ, các bang sản xuất năng lượng như Texas, Wyoming và New Mexico đang trở thành điểm nóng khai thác.
“Những bang có công suất điện dư thừa sẽ hấp dẫn nhất, tất nhiên tiêu chí còn là có đất rộng và rẻ”, Yuriy Humber, người sáng lập nền tảng phân tích năng lượng Nhật Bản NRG cho biết.
Nhật Linh (t/h)