Nhận diện giá trị tài sản trí tuệ trong trường học, tổ chức

Trần Nhật Linh
Buổi tập huấn “Sáng kiến và nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp” vừa được tổ chức trong khuôn khổ Techfest 2021.

Tham dự buổi tập huấn có sự hiện diện của: Tiến sỹ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam; Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo; Ông David Martin Nguyễn - Đồng Trưởng Làng; Bà Lê Thị Thanh Tâm –Trưởng Ban đào tạo; Ông Võ Hưng Sơn Trưởng Phòng quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh văn phòng, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức, cùng sự tham dự của hơn 200 đại biểu, học viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các đơn vị khác có liên quan.

Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam khẳng định, sáng kiến và các tài sản trí tuệ luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giúp ích cho các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xa hơn là phục vụ đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).

"Câu chuyện từ sáng kiến đến nhận diện tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp luôn là chủ đề mà các cơ quan, đơn vị và Hội Sáng chế Việt Nam băn khoăn, trăn trở từ nhiều năm nay để đưa các ý tưởng sáng tạo biến thành các giải pháp có giá trị hữu ích cho cuộc sống và khả năng thương mại trên thị trường", ông Quyền nói.

1. Bui van Quyen
Tiến sỹ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tập huấn.

Ông David Martin Nguyễn - Đồng Trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thì cho biết, các tài sản vô hình, tài sản trí tuệ như: Uy tín doanh nghiệp, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, ... đều có giá trị bằng tiền và số tiền rất lớn. Đa số các công ty trên thế giới đều đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển tài sản trí tuệ ở mức tối thiểu từ 5 - 15% tổng doanh thu đối với các công ty sản xuất thiết bị công nghệ; 10 - 20% đối với các công ty phát triển phần mềm.

Ông mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ áp dụng mô hình đầu tư vào các tài sản trí tuệ, vào quyền sở hữu trí tuệ để gia tăng giá trị doanh nghiệp của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

ong David Martin Nguyen
Ông David Martin Nguyễn - Đồng Trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.

Bắt đầu buổi tập huấn, ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng quản lý Khoa học và công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã trình bày bài tham luận “Từ Sáng kiến đến tài sản trí tuệ”, chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa hoạt động sáng kiến với hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và hoạt động quản trị tài sản trí tuệ nói riêng.

Ông cũng cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng cũng như các câu chuyện rất thực tế ở các đơn vị liên quan đến hoạt động, các quy định pháp luật, cách thức tạo ra và áp dụng, công nhận sáng kiến cho đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu.

“Một môi trường mà người lao động ai ai cũng cải tiến, ai ai cũng đổi mới các quy trình và tất cả mọi thứ trong công tác, trong sản xuất, trong quản lý thì người đứng đầu tổ chức đó được hưởng lợi rất lớn, và tổ chức đó sẽ phát triển lành mạnh và bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.

vo hung son
Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

Đến với chuyên đề thứ 2 về “Nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức đã có những chia sẻ rõ ràng về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến hiện nay.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, chúng ta tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ khác nhau, nhưng nếu ta không quản trị tài sản chặt chẽ, sau này nếu có một số rủi ro về nhân sự, về giao kết hợp đồng với một đối tác nào đó, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản", ông Quang nói.

nguyen-hong-quang
Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng, Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức.

Tại buổi tập huấn, nhiều đại biểu, học viên tham dự cũng chia sẻ những băn khoăn, bỡ ngỡ về vấn đề sở hữu trí tuệ và đặt ra nhiều câu hỏi về cách nhận diện các tài sản trí tuệ của mình, việc bảo hộ đối với các dạng tài sản trí tuệ khác nhau, các tình huống khác nhau trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ trong thực tế, cũng như việc áp dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh.

Đại diện cho Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Làng khẳng định, sáng kiến được tạo ra từ tất cả các hoạt động trong các cơ quan, đơn vị và trong đời sống hàng ngày, các sáng kiến mới sẽ tạo ra các tài sản vô hình, tài sản trí tuệ và thành dòng chảy để đóng góp tri thức mới trên toàn nhân loại.

5. Tran Giang Khue
Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.

"Không ngừng đổi mới sáng tạo, cải tiến, tạo ra tri thức mới dựa trên các tri thức sẵn có, cộng thêm sự thừa nhận bảo hộ của pháp luật sẽ là tiền đề, động lực để các đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững", ông Khuê nhấn mạnh.

Ông bày tỏ sự biết ơn với Hội Sáng chế Việt Nam, Ban tổ chức Techfest 2021 và tất cả các giảng viên, học viên, thành viên của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo đã làm nên thành công của buổi tập huấn, cũng như góp một phần vào sự thành công của Techfest 2021.

PV

PV