Vấn nạn dùng nick ảo xúc phạm người khác trên mạng xã hội cần được nghiêm trị

Trần Nhật Linh
Hiện nay, vấn nạn dùng các tài khoản mạng xã hội ảo để đăng tải những thông tin sai sự thật hoặc vu khống các cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cũng như đời sống cá nhân của người khác đang rất nhức nhối, mặc dù pháp luật đã có nhiều chế tài để xử lý, song vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Như trường hợp của bà Phạm Thị Thanh The, sinh năm 1975, trú quán tại Thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên làm đơn phản ánh tới các cơ quan thông tấn báo chí về việc bị ông N.V.P (Sinh năm 1994, trú quán tại xóm 7, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã có hành vi vu khống, bôi nhọ và xúc phạm danh dự, phá hoại hình ảnh uy tín cá nhân của bà trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống cá nhân.

Theo bà The, anh P. chưa từng gặp và làm việc với bà The, tuy nhiên chỉ vì những hiểu nhầm không đáng có, anh P. lại dùng những ngôn từ thoá mạ, xúc phạm danh dự cũng như công việc của bà The, khiến cuộc sống cá nhân của bà The bị đảo lộn, gia đình và bạn bè của bà The cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy bà The đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí để mong pháp luật vào cuộc, làm rõ hành vi của anh N.V.P để bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và gia đình.

Trường hợp của bà The là một trong những trường hợp điển hình cho tình trạng cá nhân bị đăng bài xúc phạm trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc của cá nhân, tổ chức. Đăng bài vu khống trên mạng xã hội là hành vi sử dụng mạng xã hội để đưa ra những thông tin sai lệch, bịa đặt, nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Những thông tin này có thể được đăng tải dưới dạng bài viết, hình ảnh, video,...

Luật sư Nguyễn Dũng Tiến, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại Điều 34 Bộ Luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

xuc-pham-mang-xa-hoi-1711338275.jpg
 

Theo quy định trên, cá nhân được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình và người thực hiện hành vi bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân khác chính là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của khác tùy từng mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

"Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Như vậy, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội Facebook có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị buộc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.”

Theo quy định pháp luật, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt từ từ 2 năm đến 7 năm tù.

Cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để thực hiện các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín của cá nhân, tổ chức là xâm phạm đến quyền nhân thân mà pháp luật bảo vệ và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ Bá