Doanh nghiệp công nghệ số và sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Admin
((SHTT) - Suốt chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.

Ngày 11/12, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, diễn đàn được tổ chức tháng 12 hàng năm, là dịp kỷ niệm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, ngày doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có ngày này. Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng đến các doanh nhân, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ngày 11/12 là dịp để nhìn lại, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các giải thưởng tiêu biểu thông qua giải thưởng Make In Việt Nam. Đây là các sản phẩm được thiết kế, sáng tạo, được làm ra tại Việt Nam, có tác động có ảnh hưởng lớn đến người dân, doanh nghiệp, chính quyền lên môi trường số, góp phần phát triển chính phủ số và xã hội số.

cong nghe so

"Nhìn lại chặng đường 4 năm từ 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Bộ trưởng lấy dẫn chứng bằng những con số như: số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%, tỷ trọng made in Việt Nam tăng từ 21 lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD.

Năm 2019, công đồng doanh nghiệp số được khai sinh, với sứ mệnh Make in Việt Nam - nghiên cứu, sáng tạo, làm ra tại Việt Nam, giúp nước ta thoát bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. "Muốn đi xa phải nhớ lấy sứ mệnh ban đầu này", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nêu bật chủ đề của năm 2024 là: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành là nội dung quan trọng nhất trong phát triển kinh tế số.

Bộ trưởng khẳng định, việc này không của ai khác ngoài các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số, vì “chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết chuyển đổi số, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực và là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”.

Theo Bộ trưởng, lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn khoảng 60 tỷ USD, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn là 600 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số trên 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.

Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà.

Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Theo đó, vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp.

Hà Vân